Nguồn cung phân bón toàn cầu giảm trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus

03:17 CH @ Thứ Hai - 21 Tháng Ba, 2022

Chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt do các lệnh trừng phạt và hạn chế áp đặt đối với Nga và Belarus, trong khi xuất cảng phân bón kali của hai nước cộng lại chiếm khoảng 40% thị trường toàn cầu.

Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga vì cuộc xâm lược ngày càng leo thang vào Ukraine, ba công ty vận tải container lớn nhất thế giới, MSC của Thụy Sĩ, Maersk của Đan Mạch, và CMA CGM của Pháp đã thông báo hôm 01/03 về việc đình chỉ tất cả các chuyến hàng đến và đi từ tất cả các cảng của Nga, bao gồm cả các cảng ở Biển Baltic, Biển Đen và vùng Viễn Đông của Nga. Nguồn cung cấp thực phẩm, vật tư y tế và nhân đạo là ngoại lệ.

Hành động đồng loạt này là một đòn giáng mạnh khác đối với hàng xuất cảng của Nga.

Viện Phân Bón (TFI), một tổ chức tập trung vào ngành công nghiệp phân bón, đã bày tỏ lo ngại trong một tuyên bố hôm 03/03 rằng “việc loại bỏ sản phẩm của Nga khỏi thị trường toàn cầu sẽ có tác động đến nguồn cung” do vai trò chính của Nga đối với thị trường phân bón toàn cầu.

Báo cáo cho biết Nga là nước sản xuất phân đạm (amoniac và urê) và phân kali lớn thứ hai trên thế giới, và là nước sản xuất phân lân (phân bón chứa photpho) lớn thứ năm. Trên thị trường xuất cảng toàn cầu, Nga chiếm 23% xuất cảng amoniac toàn cầu, 14% xuất cảng urê (cacbamit), 21% kali (một loại phân bón làm từ kali) và 10% xuất cảng photphat đã qua xử lý.

Ngoài ra, Nga là nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới, với ¼ thị phần cung cấp toàn cầu, trong khi khí đốt tự nhiên là nguyên liệu chính để sản xuất phân đạm.

Nitơ, photpho, và kali là ba chất dinh dưỡng chính thúc đẩy sự phát triển của cây trồng, vì vậy nguồn cung cấp phân bón hóa học là rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của mỗi quốc gia.

Hôm 02/03, Chủ tịch EU Pháp thông báo EU đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì vai trò của nước này trong việc hỗ trợ Nga xâm lược Ukraine, cấm xuất cảng gỗ, thép, và kali sang các nước EU.

Tập đoàn Kali Belarus (Belarus Potash Corporation, BPC) bị Hoa Kỳ trừng phạt chiếm ⅕ tổng lượng kali xuất cảng toàn cầu, và cùng với Nga, hai quốc gia này có tổng thị phần hơn 40% thị trường kali toàn cầu. Nếu các lệnh trừng phạt tiếp tục, nguồn cung cấp kali toàn cầu có thể gặp phải tình trạng khan hiếm rất lớn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/03 cho biết các nỗ lực của các nước phương Tây nhằm chặn xuất cảng phân bón, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và kim loại từ Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Nhu cầu phân bón của Trung Quốc tăng 

Hôm 05/03, ông Đường Nhân Kiện (Tang Renjian), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết, trong năm 2022 nhu cầu phân bón ở Trung Quốc sẽ cao để khắc phục tình trạng gieo hạt muộn. Ông cho hay trong năm 2021, năm tỉnh ở miền bắc Trung Quốc gồm có Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Thiểm Tây, và Sơn Tây đã phải hứng chịu những trận lũ lụt hiếm vào mùa thu, và kết quả là ⅓, hay 110 triệu mẫu (18 triệu mẫu Anh) lúa mì mùa đông đã được gieo muộn hơn nửa tháng so với bình thường.

Theo trang web nông nghiệp chính thức, cần bón thêm phân đạm, cũng như phân lân và kali cho lúa mì trong giai đoạn mạ phát triển, cây lúa sinh trưởng và làm đầy hạt, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra khủng hoảng thu hoạch.

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp kali bên ngoài, một trong những thành phần hóa học chính của phân bón. Theo phân tích của truyền thông Trung Quốc, trong năm 2021, sự phụ thuộc của nước này vào phân kali là từ 50-60%, trong đó nhập cảng muối kali từ Canada, Nga, và Belarus vượt quá 80%.

Công ty chứng khoán Everbright do nhà nước điều hành cho biết trong một báo cáo (pdf, Hoa ngữ) hôm 24/02 — cùng ngày Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine — rằng với việc thực hiện các lệnh trừng phạt chống lại Nga ở Âu Châu và Hoa Kỳ, sẽ có sự thiếu hụt đáng kể phân bón trên toàn cầu, do đó sẽ làm tăng giá phân bón toàn cầu. Họ suy đoán rằng điều này sẽ có lợi cho các công ty phân bón Trung Quốc.

Giá phân bón đang tăng mạnh trên thị trường Trung Quốc.

Dữ liệu hôm 07/03 của Hiệp hội Phương tiện Sản xuất Nông nghiệp cho thấy giá bán buôn urê đã tăng gần 30%, giá phân DAP (diamoni photphat) tăng 15% và giá muối kali (clorua kali) đã tăng 90% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Sáu quốc gia Nam Mỹ yêu cầu các lệnh trừng phạt không bao gồm phân bón

Reuters đưa tin, hôm 10/03, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina Dias cho biết, sáu quốc gia Nam Mỹ gồm Brazil, Argentina, Bolivia, Chile, Paraguay, và Uruguay sẽ đệ trình đệ một đề nghị lên Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc để loại trừ phân bón khỏi các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Bà Dias nói, tình trạng thiếu phân bón sẽ dẫn đến lạm phát lương thực và phá hoại an ninh lương thực.

Brazil là một trong những nước nhập cảng phân bón lớn nhất thế giới, 85% lượng phân bón nước này sử dụng là dựa vào nhập cảng. Năm 2021, Brazil nhập cảng khoảng 40 triệu tấn sản phẩm phân bón, gần ¼ trong số đó (tổng cộng 9 triệu tấn) đến từ Nga.

Theo Bric, một công ty tư vấn Trung Quốc, cây trồng mùa hè của Brazil và Argentina chủ yếu là ngô và bông phụ thuộc vào phân bón, và do đó giá cả tăng cao, cũng như nguồn cung phân bón không ổn định, sẽ dẫn đến chi phí cao hơn và sản lượng thấp hơn, điều này sẽ có tác động liên hoàn đến xuất cảng của hai quốc gia.

Ngoài ra, quốc gia sản xuất ngũ cốc là Ấn Độ cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu phân bón.

Cây trồng ở Hoa Kỳ có thể chuyển từ ngô sang đậu tương

Tại Hoa Kỳ, một số tổ chức cho rằng giá phân bón tăng đột biến có thể kích hoạt sự chuyển dịch cây trồng của Hoa Kỳ từ ngô sang đậu tương.

Ngô là cây trồng cần nhiều phân bón. Số liệu thống kê từ Chỉ số Hàng hóa Toàn cầu S&P vào tháng 12 năm ngoái cho biết trồng ngô sẽ tốn kém hơn đậu tương vào năm 2022 do chỉ số giá phân bón đạt mức cao kỷ lục. Do đó, nông dân có thể chuyển sang trồng đậu nành, một cây trồng thay thế sẽ cần ít phân bón hơn.

S&P Global Platts Analytics cho biết vụ thu hoạch đậu tương 2022–2023 của Hoa Kỳ dự kiến ​​đạt 36.1 triệu ha, tăng 1.2 triệu ha, trong khi thu hoạch ngô sẽ giảm 1.2 triệu ha, xuống 33.2 triệu ha.