Xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) là hết sức cần thiết

02:26 CH @ Thứ Năm - 14 Tháng Ba, 2024

Bộ Công Thương đang dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, dự thảo Luật đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất.

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008 là sự thể chế hoá, hiện thực và cụ thể hoá một cách nhanh chóng và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.

Sau 15 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi Luật.

Theo đó, việc sửa đổi Luật nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng được nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, cụ thể: “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu...”; “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”; “quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, qua đó tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng với công tác quản lý hóa chất và ngành công nghiệp hóa chất.

Xây dựng cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể: “Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón)”; “Khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản”.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội.

Việc sửa đổi Luật còn nhằm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động hóa chất cơ bản ổn định trong những năm tiếp theo. Hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế.

Theo dự thảo (lần 2) Luật Hóa chất (sửa đổi), nguyên tắc hoạt động hóa chất bao gồm: Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, hệ sinh thái và môi trường; trật tự, an toàn xã hội; kiểm soát chặt chẽ hoạt động hóa chất, đặc biệt đối với hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm. Đồng thời, thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính nguy hiểm của hóa chất và các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) quy định bao gồm các hành vi: Sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ, sử dụng, gửi, cho, tặng hóa chất nguy hiểm trái quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che giấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm.

Sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hóa chất không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.

Sử dụng hóa chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khoẻ con người, tài sản và môi trường.

Đưa dự án vào hoạt động khi chưa được phê duyệt kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất hoặc báo cáo biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.

Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng hóa chất nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.