Từ văn hóa tổ chức, bàn về văn hóa tổ chức Đảng

UV.BCH Đảng bộ Công ty Cổ phần công nghiệp Cao su Miền Nam
11:41 SA @ Thứ Ba - 07 Tháng Mười Một, 2023

Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa xung quanh khái niệm văn hóa tổ chức, mỗi nền văn hóa, nền tảng kiến thức khác nhau sẽ có những định nghĩa khác nhau. Và mỗi một tổ chức lại có một cái nhìn và cách tiếp thu riêng biệt. Văn hóa tổ chức có thể hiểu là toàn bộ các giá trị được xây dựng trong suốt quá trình hình thành, phát triển của tổ chức. Những giá trị này tác động và quyết định đến lối suy nghĩ, hành xử của từng cá nhân trong tổ chức. Chính điều này tạo nên điểm khác biệt khi so sánh một tổ chức này với một tổ chức khác.

Như vậy, bất kỳ tổ chức nào đều có một nền tảng văn hóa của tổ chức đó như: tôn chỉ, mục đích tồn tại, các thiết chế, các quy định, nội quy, sự giao tiếp trao đổi giữa các thành viên trong tổ chức…Nếu thiếu đi yếu tố văn hoá, ngôn ngữ, tư liệu, thông tin nói chung được gọi là tri thức thì tổ chức khó có thể đứng vững và tồn tại được. Trong khuynh hướng xã hội ngày nay, các nguồn lực của một tổ chức là con người và văn hoá tổ chức chính là mắt xích liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng nguồn lực riêng lẻ.

Văn hóa trong tổ chức đảng cũng vậy. Nếu chúng ta nhìn nhận rằng, ở một khía cạnh nào đó, nền tảng tư tưởng của đảng, sự tồn tại của một cơ sở đảng luôn tiềm ẩn những giá trị văn hóa của một tổ chức. Bác Hồ đã viết “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Đây chính là một nội dung căn cốt trong công tác xây dựng đảng trong giai đoạn hiện nay.

Khi nói đến công tác xây dựng Đảng, chúng ta thường nói xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức chứ ít khi quan tâm đến xây dựng Đảng về văn hóa. Thực ra, quan điểm xây dựng Đảng về văn hóa được Đảng ta đề cập từ khá sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa, Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” nghĩa là một biểu tượng cao về văn hóa của dân tộc và nhân loại, và xét cho cùng thì đạo đức, văn minh chính là nền tảng của văn hóa. 

Văn hóa của một tổ chức khởi nguồn từ văn hóa của Người đứng đầu. Người ta thường ví von “Vua nào thì quần thần nấy”. Người đứng đầu một tổ chức với tính cách bộc trực, liêm chính, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu cái hay cái mới thì những thực thể trong tổ chức ấy sẽ hấp thu và hướng theo những giá trị tốt đẹp này. Ngược lại, Người đứng đầu tổ chức không có chính kiến, không quyết đoán, không lắng nghe…thì tổ chức ấy tất yếu sẽ suy giảm về nguồn lực và khó có khả năng tồn tại.

Người đứng đầu tổ chức đảng cũng vậy. Sự nghiêm túc, cầu thị trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, nghiêm túc trong thực hiện các quy định, điều lệ của đảng, tất yếu sẽ là tấm gương để các đảng viên, quần chúng trong tổ chức đảng noi theo và nghiêm túc thực hiện.

Trong một tổ chức, văn hóa luôn được thẩm thấu qua từng ngóc ngách, thẩm thấu qua từng con người trong tổ chức. Để biết một tổ chức có một nền văn hóa “mạnh” ở cấp độ nào, có theo dõi và nhìn ra rõ ràng nhất trong giai đoạn tổ chức bị khủng hoảng. Một tổ chức luôn có một quá trình lịch sử hình thành phát triển qua từng giai đoạn thăng trầm khác nhau. Khi doanh nghiệp trong thời kỳ phát triển có thể nhìn thấy “bề nổi” của văn hóa tổ chức thông qua các hoạt động dựa trên nền tảng của chi phí cao. Điều đó có nghĩa là, tổ chức bỏ ra một nguồn lực lớn để triển khai các giá trị cốt lõi của tổ chức. Tuy nhiên, các giá trị căn cốt của văn hóa tổ chức trong giai đoạn này có thể bị “mờ” đi do yếu tố vật chất tác động mạnh mẽ. Khi một tổ chức rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Điều trước tiên có thể nhìn thấy rõ ở một tổ chức yếu, đó là: 1) Sự mất đoàn kết bắt đầu nhen nhóm; 2) Sự co cụm, chờ thời, chểnh mảng trong công việc của một bộ phận trong guồng máy tổ chức; 3) Sự rời bỏ tổ chức của những con người khi họ đã hết lợi quyền hoặc có sự thu hút từ một tổ chức khác. 

Thân Nhân Trung – Một Vị Quan dưới triều vua Lê Thánh Tông viết bài “Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)” đã đưa ra một chân lý bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”. Trên bình diện hẹp của quy mô một tổ chức, Hiền tài chính là những giá trị vĩnh cửu khi một tổ chức đạt đến cấp độ cao của một nền văn hóa vững chắc. Trong thời đại ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, giáo dục đã sản sinh và cung cấp một số lượng lớn nhân tài cho các quốc gia, tổ chức. Tuy nhiên, nhân tài chỉ tồn tại trong tổ chức nếu họ được hậu đãi, được trả mức thu nhập tương xứng với công sức họ bỏ ra. Điều này, hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cũng chính một lượng không nhỏ nhân tài này sẽ rời bỏ tổ chức để tìm một tổ chức khác mà họ cho là xứng đáng hơn. Văn hóa của một tổ chức đủ mạnh chính là có thể thu phục, biến những Nhân tài thành Hiền tài. Hiền tài là những nhân tố còn lại của tổ chức, họ không rời bỏ tổ chức trong khó khăn mà họ sẽ cùng tổ chức vực dậy, xây dựng lại, củng cố tổ chức theo một con đường tốt nhất để vượt qua khủng hoảng. Chỉ có một nền văn hóa đủ mạnh, đủ sâu sắc mới làm được điều này.

Theo Edgar H.Schein, Giáo sư nổi tiếng nghiên cứu về khoa học quản trị cho rằng: Văn hóa tổ chức được chia làm 03 cấp độ:

Cấp độ một: Các “sản phẩm” của con người: Đặc thù của văn hóa tổ chức ở cấp độ này rất dễ quan sát nhưng lại khó lý giải. Nó được biểu hiện qua những gì chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận. Nó được biểu hiện qua các “sản phẩm” cả hữu hình và vô hình. Chẳng hạn: Văn phòng, sản phẩm, trang phục (sản phẩm hữu hình) và nhận thức, tư duy của đội ngũ như: thái độ, thẩm mỹ và các nghi (sản phẩm vô hình). 

Cấp độ hai: Các niềm tin và giá trị được đồng thuận: Văn hóa tổ chức ở cấp độ hai khá trừu tượng. Chúng hàm chứa những niềm tin chủ đạo, hệ thống những giá trị được sự thừa nhận; đồng thời là cơ sở để dẫn dắt hành động và tác động đến việc ra quyết định của các thành viên trong đội ngũ. 

• Cấp độ ba: Các giả định căn bản làm nền móng: Khi các giải pháp được đưa ra dựa trên niềm tin chủ đạo liên tục có hiệu quả thì nó sẽ trở thành điều hiển nhiên đúng, hay còn được gọi là Giả định căn bản. 

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thậm chí không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng nói chung của xã hội, cho sự tồn vong và phát triển. Đảng là bộ phận tiên tiến của xã hội. Vậy nên, văn hóa phải làm nền tảng cho công việc nói chung, trong đó có xây dựng Đảng. Đảng càng văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền tảng. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.

Xây dựng văn hóa trong chính trị, trước tiên phải quan tâm đến xây dựng văn hóa trong Đảng và vấn đề này có nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó trên hết, trước hết và cốt lõi là vai trò tiên phong của mỗi đảng viên.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gây tổn hại lớn đến thanh danh và uy tín của Đảng và suy cho cùng đó chính là sự suy thoái về văn hóa trong Đảng. 

Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa trong Đảng không chỉ mang ý nghĩa thuần túy về phương diện văn hóa, mà còn có ý nghĩa cấp thiết về chính trị và xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng như Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa. Nhiệm vụ đó tập trung tăng cường và thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tính trung thực của cán bộ, đảng viên. Sự giáo dục này có thể thông qua nhiều hình thức, biện pháp như thường xuyên đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo hướng quan tâm hơn vào giáo dục phẩm chất đạo đức, nhất là giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật. 

Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, đặc biệt là những người có chức vị cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước sẽ là những biểu hiện thực tế nhất, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội của Đảng. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này trong thực tế, nếu cán bộ, đảng viên thoái hóa, “lợi ích nhóm” hoành hành thì mọi khẩu hiệu đều vô nghĩa, càng hô to càng phản cảm. 

Đồng thời với việc xây dựng văn hóa trong Đảng cần tập trung lãnh đạo, chăm lo xây dựng đạo đức xã hội. Đảng tồn tại trong xã hội, luôn chịu sự tác động hằng ngày, hằng giờ từ xã hội và luôn tác động trở lại xã hội. Sự tác động qua lại ấy, giữa Đảng và xã hội, có thể tích cực và cũng có thể tiêu cực, tùy thuộc vào Đảng tốt, môi trường xã hội tốt hoặc chưa tốt, không tốt. Trong mối quan hệ tác động qua lại ấy, Đảng phải chịu trách nhiệm đầu tiên, không đổ lỗi cho xã hội, vì Đảng lãnh đạo, phải đủ dũng cảm và bản lĩnh để đối mặt với sự thật khách quan, nhằm tìm cách cải tạo nó. 

Những năm qua, đạo đức xã hội có nhiều mặt suy thoái lo ngại, thậm chí có mặt nghiêm trọng, đáng báo động. Tình trạng đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân. Rất đáng lưu ý là hệ giá trị bị đảo lộn về vị trí, thang bậc. Nhân cách đáng ra phải luôn ở vị trí hàng đầu, trung tâm thì trong nhiều trường hợp đã xuống hàng thứ yếu, trong khi đồng tiền lại lên ngôi, chi phối nhiều mặt, nhiều việc. Vì tiền, con người ta đã vi phạm đạo đức, kể cả làm việc ác. 

Sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường lại trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền. Nhiều cán bộ, đảng viên có quyền lực, được giao quản lý tài nguyên, tài sản, tài chính, dự án và các mặt quan trọng của đời sống xã hội. Mặt trái quyền lực làm tha hóa con người khi không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực, để lựa chọn cán bộ có “đức trọng” mới giao “quyền cao”, để giám sát người có chức, quyền, dù lớn hay nhỏ.  Sự tự rèn luyện nhân cách của từng Cán bộ, đảng viên không thường xuyên liên tục, không gương mẫu, tức là chưa đủ độ chín về văn hóa; còn khuyết điểm trong giáo dục đạo đức, liêm sỉ, trong lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ.

Trong một tổ chức đảng, công tác tự phê bình và phê bình cũng thể hiện rất rõ văn hóa của tổ chức. Để thực hành tự phê bình và phê bình khó hay dễ? Theo tôi, trong giai đoạn lịch sử mà ý thức dân tộc được đẩy lên cao nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi việc có lẽ sẽ được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi việc đều xuôi chèo mát mái nếu như công tác tự phê và phê bình không được duy trì thường xuyên, liên tục và rõ ràng minh bạch. Khi những người đảng viên gọi nhau là đồng chí, có nghĩa là họ đang cùng chí hướng, cùng mục tiêu và họ là người tự nguyện tuân theo những quy định của tổ chức. Vì vậy, trước khi nhìn ra sự hạn chế của đồng chí của mình, họ phải nhìn nhận và soi rọi chính bản thân mình đã thực sự tốt trong tư tưởng đạo đức, suy nghĩ và hành động. Có như vậy, khi nhắc nhở đồng chí, đồng đội của mình sẽ tăng phần thuyết phục, thông qua tấm gương của chính bản thân họ. Trong cuộc sống, cơm áo gạo tiền chiếm một tỷ lệ cao trong quỹ thời gian hàng ngày. Sự xoay vần, kiểm soát để theo kịp với nhịp sống của xã hội, thì việc dừng lại vài phút, nhìn lại chính bản thân mình, nhìn lại hạn chế, khuyết điểm của mình xem chừng rất khó. Thêm nữa, bản chất chung nhất của con người là cần được khen ngợi, cần được tôn trọng và rất khó chấp nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, nếu được thực hành thường xuyên, nhìn lại chính mình, dành vài phút trong ngày để chiêm nghiệm những gì đã trải qua, gột bỏ những suy nghĩ tiêu cực, sẽ dẫn đến hành động tích cực và cũng là một “bộ phanh” ngăn chặn bản thân sa ngã. Là Đảng viên, thông qua tổ chức, càng có cơ hội để bộc lộ những cái tiêu cực, càng có cơ hội được nhìn thấy hạn chế của bản thân thông qua góp ý của các đồng chí của mình. Mặt khác, một khi hành động tự phê bình được đẩy lên thành phương châm, mục tiêu của bản thân của người đảng viên thì lúc đó công tác phê bình mới đạt được hiệu quả. Phê bình đồng chí của mình mà bản thân lại bộc lộ những khuyết điểm, không nhìn thấy khuyết điểm, không sửa chữa thì chẳng khác gì đem so sánh bùn và đất. Đất chê bùn hôi, bùn chê đất kém màu mỡ. Khi Cán bộ lãnh đạo không dành thời gian để tiếp dân thì làm sao biết được dân cần gì, muốn gì, bản thân mình có những hạn chế gì. Đây cũng là một hạn chế của một số Cán bộ đảng viên hiện nay.

Văn hóa tổ chức luôn luôn tồn tại, song hành với nó là các thực thể trong tổ chức đó. Trong thời đại ngày nay, sự biến động diễn ra nhanh chóng, không theo quy luật và khó đoán định, ở hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội…, văn hóa của tổ chức càng đóng vai trò quan trọng, nó chính là nguồn lực nội tại ẩn ngầm mà một tổ chức có thể tận dụng để tạo động lực phát triển và vượt qua những giai đoạn khủng hoảng. Văn hóa trong tổ chức đảng cũng vậy. Một tổ chức đảng vững mạnh luôn nhìn thấy, tận dụng, vun trồng các giá trị văn hóa, tạo nên một sự kết dính mạnh mẽ giữa các Cán bộ, Đảng viên và quần chúng. /.