Thiệt hại hàng nghìn tỷ mỗi năm, sao mãi chưa sửa Luật thuế 71?

02:42 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Chín, 2023

Áp dụng Luật thuế 71, người nông dân phải “cõng” thêm giá phân bón tăng từ 5-8%, các doanh nghiệp sản xuất cũng thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015. Lý do không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là nhằm giảm gánh nặng cho nông dân.

Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng Luật thuế 71 này, mục đích giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân không đạt được, thậm chí còn gây tác dụng ngược khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5-8% tùy loại.

Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015. Qua hơn 8 năm đi vào cuộc sống, Luật thuế 71 đã dần bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Nguyên nhân là do quy định phân bón không chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị, …), kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.

Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%.

Tiến sĩ Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Sau hơn 8 năm thực hiện Luật thuế số 71 này, nhiều nghiệp phân bón trong nước đã “ngấm đòn”. Mỗi năm, chi phí không được khấu trừ đầu vào của Supe Lâm Thao khoảng hơn 100 tỷ đồng. Hơn 8 năm, con số đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay: Vấn đề có tính chất cơ bản và lâu dài cho ngành phân bón cần được “gỡ” từ năm 2015 đến nay là kiến nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang đối tượng chịu thuế GTGT.

Mỗi năm, tính riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của VINACHEM không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng. Con số này đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.

Với 2 đơn vị sản xuất phân bón lớn của Tập đoàn Dầu khí, con số còn lớn hơn nhiều lần: Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế. Với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) cũng vậy, từ năm 2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, Đạm Phú Mỹ không được khấu trừ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật 71 thì giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6.1%.

Dây chuyền đóng bao phân bón DAP tại Công ty CP DAP - VINACHEM.

Chính vì thế, sau hơn 8 năm thực hiện Luật số 71/2014/QH13, doanh nghiệp sản xuất phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… đã liên tục kiến nghị sửa đổi trong thời gian qua. Các đơn vị đã liên tục có văn bản gửi Bộ Tài chính, đồng thời có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất phù hợp để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.

Thực tế, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015 đã nảy sinh bất cập từ khi bắt đầu thực thi đến nay. Mặc dù đã có rất nhiều phản hồi từ các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất… nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Lê Trọng Phúc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa chất và Công nghệ Hà Nội (Hacheco) đưa ra ý kiến: Một bộ luật đưa ra nhưng đến nay đã hơn 8 năm, trong quá trình thực thi phát sinh quá nhiều bất cập, các doanh nghiệp, Hiệp hội, bộ ngành… đã “kêu than” đến mòn mỏi. Hơn nữa, việc này lại liên quan mật thiết đến người nông dân, bởi khi áp dụng Luật thuế 71 này, người nông dân phải “cõng” thêm giá thành phân bón từ 5-8%.

Hơn 8 năm là khoảng thời gian quá dài, cả người nông dân và doanh nghiệp đều chịu thiệt và “kêu than” đến mòn mỏi. Mục tiêu, mục đích của Luật đưa ra cũng không đạt được. Thế nhưng việc sửa Luật lại quá chậm chễ. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao một vấn đề bức thiết, liên quan trực tiếp đến một mặt hàng thiết yếu và đối tượng hướng đến là người nông dân lại không được quan tâm và tháo gỡ kịp thời và thỏa đáng?